feature-thumbnail

Đây là một trong những lễ hội dân gian mang đậm yếu tố tín ngưỡng tôn giáo đạo Phật cùng với nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng rộng lớn, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc diễn ra vào ngày 19-02 âm lịch . Các chùa trên địa bàn Ngũ Hành Sơn hội tụ tại chùa Quán Thế Âm cùng tổ chức Ngày lễ vía Đức Phật Quán Thế Âm và xem đây như một chốn tổ thờ tự Ngài. Từ đó, vào ngày 19 tháng Hai (Âm lịch) hàng năm, ngày hội lễ vía Quán Thế Âm được tổ chức.

Đây cũng là dịp để đạo hữu nói chung, nhân dân và du khách nói riêng để cầu mong quốc thái dân an, chúng sanh an lạc. Khơi gợi lòng từ bi bác ái hướng thiện trong lòng mỗi người. Cùng với sự hòa hợp giữa phật pháp với dân tộc cùng yêu quê hương đất nước con người Việt Nam. Gắn liền với danh thắng Ngũ Hành Sơn, phục dựng, bảo tồn những tập tục cổ truyền tốt đẹp. Đặc biệt là động Quan Âm dài hơn 50m rộng 10m và cao đến 15m lưng tựa núi Kim Sơn. 
Trong động có những lớp thạch nhũ bám vào vách đá tạo thành bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát cao bằng người thật, thanh tú. Có thể nói đây là bức phù điêu tuyệt mỹ của tạo hóa và cũng chính hình tượng Phật bà Quan Âm thiên tạo đã thu hút đông đảo các Phật tử, du khách gần xa trong và ngoài nước đến chiêm bái, tạo cho lễ hội Quán Thế Âm thêm linh thiêng và huyền bí hiếm có.

Lễ hội gồm các nghi lễ: Lễ khai kinh, thượng phan - thượng kỳ; Lễ rước ánh sáng; Lễ pháp đàn Quán Thế Âm, thuyết giảng Đạo pháp và tổ chức các khóa tu tập; Chính lễ (Lễ vía Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát; Lễ rước tôn tượng Quán Thế Âm Bồ Tát; Lễ hóa trang Quán Thế Âm Bồ Tát và cuối cùng Lễ tạ pháp đàn hoa đăng). Đan xen với các nghi lễ Phật giáo còn có nghi lễ truyền thống của nhân dân địa phương như: Lễ tế Xuân; Lễ dâng hương tưởng niệm Huyền Trân công chúa và Lễ tế Thạch nghệ Tổ Sư nghề điêu khắc đá Non Nước Ngũ Hành Sơn.

Lễ khai kinh, thượng phan - thượng kỳ tổ chức ngày 17 để dâng lên mười phương chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thiện Thần đồng thùy từ chứng minh gia hộ, nguyện cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Nghi lễ do vị chủ Sám (chủ lễ - một vị hòa thượng) thực hiện.

Lễ rước ánh sáng (Lễ rước đuốc) tổ chức tối 18. Tùy theo quy mô mà nghi thức lễ rước có thể lồng vào trong lễ rước kiệu hóa trang Quan Âm và đi qua các cung đường dẫn đến bờ sông Cổ Cò để thả hoa đăng. Đi thành hàng đôi, ở giữa là kiệu, dàn rước hoa, dàn nhạc, đội lân - sư tử - rồng và các hóa trang khác. Lễ rước ánh sáng để cầu mong ánh sáng soi đường cho chúng sinh, trí tuệ sáng thì tấm lòng, đạo đức trong sáng, sẽ làm nhiều việc thiện. Lễ thuyết giảng đạo pháp Quán Thế Âm và dân tộc tổ chức xuyên suốt trong thời gian 3 ngày của lễ hội, nhưng quy mô nhất là vào tối ngày 18 và chiều ngày 19.

Chính lễ - Lễ Vía Đức Phật Quán Thế Âm tổ chức vào ngày 19 âm lịch, nhằm ngày khánh đản (ngày sinh) của Đức Phật Quán Thế Âm. Nghi lễ này được xem là linh hồn của Lễ hội Quán Thế Âm. Chính lễ tổ chức long trọng nhất, thu hút hàng ngàn đồng bào các giới, các chư vị Hòa thượng có chức danh lớn nhất trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam được mời về để chủ trì nghi lễ. Chủ lễ niệm hương và dâng hương, cầu kinh tưởng niệm ân đức của Đức Phật Quán Thế Âm, nhằm nguyện cầu quốc thái dân an, chúng sanh an lạc. Mong ánh sáng soi đường dẫn lối cho chúng sanh không lầm đường lạc lối.

 

Lễ rước tôn tượng Đức Phật Quán Thế Âm thực hiện sau Lễ vía, thể hiện lòng tôn kính của các Phật tử hướng về Đức Phật Quán Thế Âm trong ngày khánh đản của Ngài. Tôn tượng của Ngài được rước từ trong động Quan Âm ở núi Kim Sơn đi ra đường Sư Vạn Hạnh, rước lên chùa Quán Thế Âm để làm lễ theo nghi lễ Phật giáo.

Lễ hóa trang Bồ Tát Quán Thế Âm thực hiện song hành với nghi lễ rước Quán Thế Âm, mỗi năm nhà chùa sẽ chọn một trong 32 ứng hóa của Bồ Tát Quán Thế Âm để hóa thân. Chẳng hạn, hóa trang tái hiện thành Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, Thập nhất diện Quan Âm, Quán Âm Thiện Tài Đồng Tử, Bạch Y Quan Âm, Quán Âm Tống Tử, Quán Âm Nam Hải…

Lễ tạ pháp đàn hoa đăng thực hiện vào tối 19, là nghi lễ Phật giáo cuối cùng tại Lễ hội Quán Thế Âm, để cúng tạ sơn thủy, thổ thần và các thần linh đã phù hộ cho lễ hội thành công. Đan xen với các nghi lễ Phật giáo, người dân địa phương tổ chức các nghi lễ dân gian như: Lễ dâng hương tưởng niệm tại miếu thờ Huyền Trân công chúa, Lễ tế Xuân (tại chùa Quán Thế Âm) và Lễ tế Thạch Nghệ Tổ Sư nghề đá Non Nước (tại Nhà thờ tổ nghề đá nằm dưới chân núi Mộc Sơn).

Bên cạnh lễ hội Quán Thế Âm là các hoạt động giải trí dân gian cũng được tổ chức tại đây như: hô hát Bài chòi, hò khoan đối đáp, hát dân ca, hát Tuồng; các hội thi, trình diễn thư pháp và triển lãm tranh, ảnh thủy mặc; đến các hoạt động văn hóa văn nghệ; các trò chơi dân gian như múa lân, sư tử, rồng, đẩy gậy, kéo co, đua thuyền, cờ tướng…

Lễ hội Quán Thế Âm ngoài ra còn là cầu nối giao lưu và quảng bá hình ảnh của người dân Đà Nẵng với bạn bè trong nước và quốc tế.